Đặt hàng từ 5 đến 10 ngày
Chữ Đức – Ý nghĩa chữ Đức
Chữ Đức
Chữ Đức được kết hợp từ ba bộ chữ là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Trong đó, chữ sách có nghĩa là bước đi, hành động; chữ trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực; chữ tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ, tư duy. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát: Chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.
Nói thì như vậy, nhưng thực hành thì không dễ chút nào. Bởi không phải ai cũng chịu hiểu chính xác chính con người mình và sống với con người thật của mình một cách thẳng thắn, đầy đủ. Sống làm sao để có được nội tâm hài hòa, bao dung, tha thứ, quan hệ tốt với mọi người xung quanh…, đó cũng là những biểu hiện của chữ Đức.
Người xưa có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện tìm sự giàu sang phú quý (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự phát đạt, giàu sang). Lại có câu: “Có đức mặc sức mà ăn” cũng với ý nghĩa tương tự. Chữ Đức, hay nói đúng hơn, ăn ở có Đức là điều rất quan trọng. Cho nên trong Tử vi, mặc dù đặc biệt coi trọng “số phận” con người, nhưng vẫn có câu: “Đức năng thắng số’’, cũng là nhằm nhắc nhở người đời hãy biết lấy Đức làm trọng, vừa giúp ích cho xã hội, vừa tạo nên “số phận” tốt hơn cho chính mình.
Nói về chữ Đức, thiết nghĩ cũng nên nói về quan niệm của Đạo Phật về Đức. Phật giáo coi Đức chính là hành động thiện, lời nói thiện, suy nghĩ thiện… để từ đó có được sự từ bi, hỷ xả, mang điều tốt đẹp đến cho mọi người. Hơn nữa, Đạo Phật còn có quan niệm về sự luân hồi, nghĩa là có sự nối tiếp nhân quả của Đức từ tiền kiếp trong quá khứ. Vì vậy mới có lời khuyên rằng: Ăn ở hiền lành để phúc cho con; hoặc có lời răn: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước… Mỗi khi ta đến chùa tụng kinh niệm Phật là đến với cõi tâm linh mà cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ là điều ta hướng tới. Bởi Đức Phật Thích Ca có ba đức là Bi đức, Trí đức và Tịnh đức. Trong đó, Bi đức là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn; Trí đức là trí tuệ cao khó có gì sánh bằng; Tịnh đức là dù ở trước mặt hay sau lưng thì tâm Phật đều vậy, không đổi thay. Như thế, tình thương, trí tuệ và sự chân thật ở con người là cốt lõi của Đức.
Trong Phật giáo, những người xuất gia thọ giới tỳ kheo 10 năm, 20 năm trở lên có đạo hạnh gọi là Đại đức (có thể hiểu là người có thời gian ít nhất 10 năm liền tu hành, khổ luyện); nếu có 25 năm xuất gia thọ giới, công phu tu hành, 45 năm tuổi đời thì gọi là Thượng tọa. Hòa thượng là các vị có 45 năm tu hành khổ luyện, 65 năm tuổi đời – Theo quan niệm ấy, Hòa thượng là những vị mà phúc đức thật vô cùng…
Mặt khác, ngay bản thân những người “trong đạo Phật” cũng được Đức Phật rèn luyện từ những hành động bình thường nhất. Ta vẫn thường thấy các nhà sư đi khất thực ôm bình bát xin ăn, đó không phải là vì nhà sư thiếu đói, mà chính là để giúp cho tất cả mọi người có dịp thể hiện một phần trong cái đức của mình, gieo duyên bố thí cúng dường. Đồng thời cũng qua đó Đức Phật muốn những người tu hành thực hiện hạnh tu, bỏ đi tính tự cao tự đại, có như vậy mới thành chính quả được. Và, đó cũng là một hình thức tiếp độ cho chúng sinh. Âu cũng là vì Đức cả.
Khổng Tử – một Nhà tư tưởng, Nhà triết học xã hội nổi tiếng ở nước Trung Hoa xưa, cũng đặc biệt đề cao cái Đức ở con người. Trong đó, ông đề cao đức “hiếu”, bởi ông cho rằng làm người trước tiên phải có lòng kính yêu cha mẹ và người thân trong gia đình mình thì rồi mới biết yêu thương người ngoài, yêu thương đồng loại, mới làm nhiều việc tốt được. Và, làm người theo Khổng Tử trước hết phải biết tu dưỡng “đức” rồi mới học “văn”. Hiếu đức ở đây không phải chỉ là nuôi dưỡng cha mẹ một cách đơn thuần mà là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ với sự thành kính, sự yêu thương thật sự.
Như vậy, chữ Đức xem ra cũng thật sâu xa và cũng thật mênh mông, rộng lớn; bao hàm rất nhiều điều mà con người nên có, cần có. Và, Đức không đơn thuần chỉ là một cách sống, hay một điều có để cho…đẹp; mà Đức làm nên sức mạnh thực sự đối với người có Đức.
Trong sách “Thuyết văn giải tự” có giải thích và khẳng định về “Đức” rằng: “Đức giả đắc dã, nội đắc vu kỷ, ngoại đắc vu nhân”, nghĩa là: Người có đức thì bên trong làm chủ được bản thân, bên ngoài đắc được nhân tâm. Đặc biệt, càng những người ở “quyền cao chức trọng”, càng cần có đức. Bởi vai trò và việc làm của họ ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến đất nước. Muốn “Tề gia trị quốc, bình thiên hạ” thành công thì đầu tiên phải biết “Tu nhân” và “Tích đức”; nghĩa là phải không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân. Không phải vô cớ mà người xưa quan niệm rằng: Vua, quan, phú, quý đều từ Đức mà ra. Vô đức, vô đắc; mất đức là mất tất cả. Vì chỉ có đức, người lãnh đạo mới có thể thu lấy Đức của quần chúng; rồi lại đem đến cho quần chúng nhân dân những thành quả mà xã hội, đất nước có được… Hiểu được như thế thì cả người dân và các quan chức mới tích cực “tu nhân tích đức”, mới có thể mang phú quý thái bình, ấm no sung sướng về cho dân và sự phồn vinh cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu dạy rằng: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/Có tài mà không có đức thì vô dụng”. Vô dụng đối với người không có đức là không mang lại lợi ích căn bản nào cho xã hội, thậm chí còn làm hại nhân dân, làm hại đất nước. Chữ “Đức” ở đây càng quan trọng biết nhường nào! Nhưng “Đức” không phải như một cái gì biệt lập mà là trong sự thống nhất chặt chẽ không tách rời với tri thức, tài năng. Cho nên ta vẫn thường nói Tài – Đức là vậy. Nghĩa là “văn và chất đều nhau mới là người quân tử” – Khổng Tử quan niệm như thế và ông cũng là người đã đề xuất đường lối “Đức trị” – đường lối trị nước bằng đạo đức. Ông là người nói rất nhiều đến tư cách người cầm quyền, đến bổn phận của người lãnh đạo phải sửa mình, phải làm gương cho dân, phải giáo hoá dân. Giữa đạo đức và chính trị không tách rời nhau mà luôn có sự hòa quyện, đan xen vào nhau trong quá trình thực thi trách nhiệm của người lãnh đạo.
Quyền hành chỉ được giao cho người có đức thì mới làm nên những thành quả tốt đẹp cho quê hương đất nước. Ngược lại, quyền hành ở trong tay người thiếu đức thì đương nhiên sẽ làm suy giảm đạo đức xã hội, làm cho cái xấu hoành hành, điều tốt bị mai một. Ở một khía cạnh khác, ai cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng cách hành xử lại khác nhau giữa người có đức và người thiếu đức: Với người có đức, họ tự nguyện tự giác kiểm điểm sâu sắc bản thân và biết từ nhiệm để người khác có tài năng bản lĩnh hơn thay thế – Điều đó có lợi cho dân cho nước và tốt cho chính người đó. Còn với người thiếu đức thì lại khác, vẫn cố giữ cho mình quyền chức bất chấp những điều mình có thể làm hại cho dân cho nước.
Xã hội ngày nay, do nhiều nguyên nhân và từ mặt trái của cơ chế thị trường tác động, đã và đang làm xói mòn đạo đức, làm suy giảm những giá trị nhân bản truyền thống tốt đẹp của con người. Thực tế đó đang kéo theo những hệ lụy và hậu quả khôn lường, cả nhãn tiền và lâu dài, thật đáng lo ngại vô cùng. Trong hoàn cảnh đó, lòng tốt của con người, đạo đức của mỗi người càng cần thiết và đáng quý biết bao ! Quan niệm của người xưa: Đức là gốc của con người và thiện đức phải biểu hiện ở hành động, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và rất cần được làm nổi bật, được tuyên truyền, giáo dục rộng rãi thông qua những việc làm, những biện pháp cụ thể vừa trước mắt vừa mang tính lâu dài.