Trang chủ » Tin tức, Tin Tức Trong Làng » BÁC HỒ VẼ VÀ NHỮNG TÁC PHẨM VẼ BÁC

TRẦN VĂN CẨN – Bác Hồ dịch sử Đảng. Khắc gỗ

Với sự cố gắng của những người làm công tác nghiên cứu – sưu tầm của Viện Bảo tàng Mỹ Thuật, một số tác phẩm mĩ thuật về Bác đã được tập hợp thành một sưu tập khá hệ thống và phong phú

Những tác phẩm Bác vẽ

Phần đầu bộ sưu tập gồm một số tranh do Bác vẽ từ những năm 1922 đến năm 1944, trong suốt thời kỳ Bác hoạt động ở nước ngoài từ châu Âu đến châu Á. Phần thứ hai gồm những tác phẩm tranh tượng của các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nghệ nhân, những người làm nghệ thuật không chuyên nghiệp đã sáng tác về Bác, kể từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.

Riêng số tranh Bác Hồ vẽ chủ yếu được tập hợp trên 3 nguồn tài liệu.

– Tranh minh họa trên tập Ngục trung nhật ký, tập thơ viết trong những ngày Bác bị cầm tù tại nhiều nhà giam ở Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, trước ngày Bác về nước.

Báo Việt Nam độc lập cũng do Bác sáng lập, xuất bản tại liên tỉnh Cao Bắc -Lạng, Việt Bắc, từ sau ngày Bác về nước vào những năm 1941, 1942, 1945.

Mở đầu bộ sưu tập là một số tranh đả kích, tranh biếm họa của Bác. Một trong những bức điển hình nhất: Toàn quyền Va-ren và Cụ Phan Bội Châu (với bút danh Ký Viễn, đăng trên báo Người cùng khổ năm 1922). Tranh bố cục chỉ có ba nhân vật chính: Trong một gian nhà hẹp, cụ Phan Bội Châu ngồi trên một chiếc giường gỗ sơ sài; trang phục quần dài, áo cánh, ngực mang số tù, chân đất, cổ đeo gông, hai chân mang xiềng sắt, một tay chống lên đùi, một tay Cụ chỉ vào chiếc gông trên cổ, nét mặt cương nghị, trong tư thế đang đối thoại gay gắt với kẻ thù. Đối diện với Cụ là tên toàn quyền Va-ren, đầu đội mũ dạ cao lêu đêu, vận lễ phục “đuôi tôm” kiểu chính khách, một tay hắn cầm chiếc can, một tay đang giơ ra trước mặt cụ Phan chiếc bài ngà Kim khánh dụ dỗ Cụ. Cạnh tên Va-ren là tên Việt gian, đại diện cho bọn Nam triều, đầu đội khăn đóng, áo gấm, bài ngà, tay cầm quạt gấp, cùng với tên thực dân cáo già đang chăm chú theo dõi thái độ của cụ Phan trong cuộc đối thoại. Nét vẽ giản đơn nhưng rất thực và hài hước đến mức sâu cay, hóm hỉnh.

NGUYỄN ÁI QUỐC – Mau lên! Ê! Mày hãy tỏ ra có lòng trung thành chứ! Mẹ kiếp

Tiếp theo là bức Mau lên! Ê! Mày hãy tỏ ra có lòng trung thành chứ! Mẹ kiếp! Lần này Bác ký bút danh là N.A.Q (Nguyễn Ái Quốc). Tranh gồm hai nhân vật: một tên Tây thực dân to béo, bụng phệ, tay cầm can, mồm ngậm xì gà, đầu đội mũ kiểu “thuộc địa” nằm ngửa trên chiếc xe tay mui trần do một người bản xứ gầy guộc, rách rưới, đang kéo hắn một cách khó nhọc. Trong sự tương phản đầy bất công ấy, từ mồm hắn lại sủa ra những câu tục tĩu, đầy hách dịch theo kiểu “văn minh bề trên” với người kéo xe bản xứ nọ. Để nhấn mạnh vào ý này, Bác còn có những chữ phụ đề rất mỉa mai ở hai chiếc bánh xe như “văn minh”, “tiến bộ”, “khai hóa”, v.v…

Bức Thực dân Pháp đánh đập tàn nhẫn người dân thuộc địa cũng đăng trên báo Người cùng khổ. Tranh gồm 3 nhân vật. Một tên lính thực dân đang vung roi đánh rất tàn nhẫn xuống một người da đen thuộc địa khốn khổ đã gục ngã. Chưa hết, vừa đánh hắn còn lấy mũi giày đinh đá túi bụi vào người dân châu Phi. Sau hai nhân vật chính, thấp thoáng là bóng một ngôi nhà thờ Hồi giáo; xa nữa là bóng một cây cọ nhỏ bé nhô lên trên sa mạc mênh mông, một người da đen rách rưới khác đang hốt hoảng chạy trốn, hai tay giơ lên kêu trời, lo sợ cho số phận của mình. Bức tranh làm người xem căm thù và xúc động trước cảnh tàn ác tột độ của bọn thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, cũng như giới báo chí tiến bộ lúc này.

Cùng với một số tranh đăng trên tờ Người cùng khổ, bộ sưu tập còn giới thiệu với người xem một số tranh nguyên bản khác của Bác trên một số tài liệu nữa. Trước hết đó là bức minh họa của Bác ngay ở bìa tập Ngục trung nhật ký. Tranh vẽ hai cánh tay bị xiềng với hai nắm đấm đang giơ cao, biểu hiện tinh thần bất khuất, đầy kiên quyết của kẻ bị tù đầy. Phía trên hai nắm tay là 4 câu thơ ngũ ngôn bằng chữ Hán và trên cùng là 4 chữ – tên tập nhật ký. Về mặt nghệ thuật, ta thấy Bác trình bày rất giản dị, rõ ý mà bố cục khá chặt, phân bố những mảng khối khá hợp lý, đúng với tiêu chuẩn của một bức đồ họa trình bày bìa sách. Hình đã giàu tính biểu hiện, nét vẽ và chữ cũng mang tính tạo hình, do đó càng nhấn mạnh được chủ đề của tập thơ: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn thành sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao.

Ở hầu hết các tranh, Bác thường kết hợp khá nhuần nhuyễn hai yếu tố họa và thơ. Về mặt này, ta thấy tranh Bác rất gần với phương pháp sáng tác dân gian truyền thống. Về sau, ta còn gặp thủ pháp đó ở loạt tranh của Bác trên tờ Việt Nam độc lập.

Trước hết, phải kể đến bức tranh cổ động Bác vẽ tuyên truyền cho tờ báo này. Bằng một ý vui và thông minh, Bác đã sử dụng ngay số nét hợp lý của bốn chữ “Việt Nam độc lập” tạo thành một người Việt Nam trẻ tuổi, đầu đội nón, đang thổi kèn loa chân theo nhịp bước, kêu gọi đồng bào “Đoàn kết để cùng nhau cứu nước Nam ta ” – như lời thơ phụ đề của Bác dưới bức tranh. Chỉ bằng một hình vẽ thật vui và đơn giản và ngộ nghĩnh, bức tranh đã đạt được mục đích tuyên truyền, cổ động với hiệu quả cao nhất của nó.

Bức tranh khác, Bác lại giới thiệu một đề tài mới: Thực dân Pháp – phát xít Nhật với dân ta. Tranh cũng chỉ có ba nhân vật. Một tên thực dân Pháp, đầu đội mũ phớt, âu phục cổ cồn cà vạt, mặt béo phệ, hai mắt ti hí, râu vểnh ghi đông, đứng trước hắn là tên Nhật lùn cũng béo phệ, đội mũ vải mềm lưỡi trai, tay tuốt kiếm trần, cánh tay đeo băng “mặt trời mọc”, chân đi ủng đen quá khổ; cạnh hai tên thực dân “phát-xít là một người Việt Nam gầy yếu, đầu búi tó củ hành, mình trần, quần đùi rách, xương sườn nhô ra, chống gậy lom khom trong dáng đi mệt mỏi; trên lưng chất đầy những chiếc bao tải nặng với những dòng chữ đề “sưu thuế?”, “ăn uống đắt đỏ”… chỉ cần nhìn qua những nhân vật với ít chữ chú thích của Bác, người xem nhận ra ngay chủ đề của bức vẽ. Xem bức tranh, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến những tác phẩm biếm họa dân gian như Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột… cả hình ảnh lẫn phụ đề xen lẫn nhau, rất hóm hỉnh, hài hước.

Bên cạnh tranh đả kích, tranh biếm họa, tranh minh họa, tranh cổ động, Bác còn vẽ tranh vui, tranh tuyên truyền theo thể liên hoàn. Bức Biết đồng sức. Biết đồng lòng. Việc gì khó. Làm cũng xong đăng ở mục “Vườn văn” của tờ Việt Nam độc lập là một ví dụ điển hình. Tranh vẽ bút sắt gồm 3 “phân cảnh”, ứng với ba vế thơ phụ đề: Cảnh 1: một anh chàng bé nhỏ đang loay hoay đẩy tảng đá nặng “ngàn cân”; hì hục mãi mà tảng đá cứ ỳ ra đấy. Bác đề thơ: “Hòn đá to. Hòn đá nặng. Một người nhấc. Nhấc không đặng”. Cảnh 2: cũng tảng đá “Ngàn cân” ấy, bây giờ có thêm một anh đẩy nữa, còn anh thứ ba thì lại đứng ngoài bàng quan với công việc. Kết quả, đá vẫn ì ra. Bác đề thơ: “Hòn đá nặng. Hòn đá bền. Chỉ ít người. Nhấc không lên”. Cảnh 3: cũng hòn đá nặng “ngàn cân” ấy bây giờ là cả một tập thể người mó tay vào. Bỗng nhiên “nâng bổng” được hòn đá nọ. Bác đề thơ kết luận: “Hòn đá to, Hòn đá nặng. Nhiều người nhấc. Nhấc lên đặng”: Thế là chỉ có 3 bức tranh mà cả một khái niệm rộng lớn, vốn rất trừu tượng trở nên rất cụ thể, dễ hiểu.

…Chắc chắn trong một bộ sưu tập ngắn ngủi không thể kể hết những gì Bác đã vẽ liên tục trên nhiều sách báo và tạp chí khác nhau, qua hơn 30 năm hoạt động, với một địa bàn rộng lớn Âu, Á, Phi, Mỹ – La tinh. Chỉ riêng nói đến 2 tờ báo quen thuộc nhất là Người cùng khổ và Việt Nam độc lập công việc sưu tập vẫn đang cần tiếp tục. Đó là chưa kể tới những nguồn tài liệu trên các tờ Thanh niên (do Bác sáng lập tại Quảng Châu vào năm 1926 – 1927), tờ Thân ái (cũng do Bác sáng lập năm 1928, tại Thái Lan) và những tờ khác mà Bác có tham gia viết bài, có thể có cả tranh minh họa nữa, như tờ Nhân đạo (tại Pháp), tờ Sự thật (tại Liên Xô), tờ Tin tức (Tạp chí của Quốc tế Cộng sản), v.v…

Những điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhất trí với nhau được là: cũng như ở văn xuôi và thơ, với hội họa, Bác có một lối diễn giải rất dễ hiểu, tinh thần tinh lọc và tính khái quát hóa cao, do đó, tranh rất xúc tích, truyền cảm nhanh và mạnh tới người xem. Ngoài ra, về bút pháp nghệ thuật của Bác, ta thấy Bác đã tiếp thu được khá rõ nét bút pháp dân gian truyền thống. Đó là lối vẽ nét, diễn tả bằng những khái niệm “đường viền” qua cách tạo hình trên mặt phẳng của phương Đông; hoặc có kết hợp với lối vẽ mới, song không quá lệ thuộc vào bút pháp tả thực theo lối họa phái châu Âu cổ điển. Nói tóm lại, Bác vẽ bằng tình cảm và lý trí thực của mình, đó là những điều kiện thiết yếu để nghệ thuật có được sức truyền cảm mạnh mẽ.

Những tác phẩm vẽ về Bác

Phần hai của bộ sưu tập, gồm số lớn những tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đã sáng tác về Bác.

Mở đầu là những tác phẩm chân dung Bác trong thời kỳ đầu Cách mạng tháng Tám đến cuối năm 1946, (trước ngày kháng chiến toàn quốc), Bác vừa ở chiến khu về Hà Nội. Đó là những tác phẩm như Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (tranh màu dầu và tranh khắc gỗ, cùng tên) của Tô Ngọc Vân, sáng tác năm 1946 , do Hội văn hóa Kháng chiến ấn hành tại Việt Bắc đầu năm 1947, Hồ Chủ tịch với nhi đồng tháng Tám (Khắc gỗ màu – cùng thời gian) cũng của Tô Ngọc Vân; tượng Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (chân dung thạch cao 1946) của Nguyễn Thị Kim; Cụ Hồ tranh mực nho của Nguyễn Đỗ Cung vẽ năm 1946, tại Hà Nội, đầu 1947, tác phẩm được phát hành rộng rãi trong kháng chiến tại Việt Bắc. Cùng thời gian này, khi Bác đi Pa-ri đàm phán tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Vũ Cao Đàm, nhà điêu khắc Việt kiều, đã thể hiện chân dung Bác trên tấm kỷ niệm chương đắp nổi bằng đồng. Tới giai đoạn đầu kháng chiến toàn quốc, cảm động nhất có lẽ vẫn là số lớn chân dung Bác của các họa sĩ Nam Bộ, những tác phẩm hầu hết đã được sáng tác qua tư liệu ảnh chụp trên các báo chí. Trong số này phải kể đến bức Hồ Chủ tịch với thiếu nhi Trung Nam Bắc của Diệp Minh Châu, tranh vẽ bằng chính máu (cắt từ ngón tay họa sĩ) trên nền lụa, vào giữa đêm ngày 2-9-1947. Sau Diệp Minh Châu là Chân dung Bác vẽ bằng bút sắt, in litô của Nguyễn Thành Long. Tác phẩm đã được in và phát hành động rãi tại miền Tây Nam Bộ, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Khơ-me lúc này. Cùng với Diệp Minh Châu và Nguyễn Thành Long, bức Chân dung Bác của Phi Tư Gấm (bút danh của Huỳnh Văn Gấm trong kháng chiến) cũng được người xem chú ý đặc biệt. Chân dung được trình bày trên nền gấm hoa sen, chữ thọ. Và bao quanh Bác là những bông lúa vàng nặng trĩu của đồng ruộng phì nhiêu Nam Bộ. Có thể nói đây là một trong số ít những tác phẩm vận dụng tập quán thẩm mỹ cổ truyền và thị hiếu dân tộc để tỏ niềm tôn kính đối với Bác.

DƯƠNG BÍCH LIÊN – Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Sơn mài

Cùng với các họa sĩ miền Nam, trong thời kỳ này, chúng ta còn được xem bức Chân dung Bác, khắc gỗ của Phan Kế An khá đẹp và cảm động. Đó là hình ảnh Bác mặc chiếc áo kaki dã chiến, mắt đeo kính lão, với chòm râu thưa hơi dài trong dáng vóc Bác hơi gầy, nhưng toát lên tinh thần tỉnh táo và đầy nghị lực.

Rồi Diệp Minh Châu ra Việt Bắc. Đó là sau khi bức chân dung vẽ bằng máu trên lụa của ông đã vượt qua hàng ngàn cây số từ chiến trường Nam Bộ tới tay Bác Hồ kính yêu. Ông hân hạnh được sống bên Bác một thời gian ngắn. Ông đã tranh thủ ghi lại được nhiều hình ảnh quí báu, có thể nói đây là những tác phẩm hiếm hoi của nền hội họa kháng chiến nói về Bác và ngôi nhà sàn của Bác năm xưa.

Tiếp sau giai đoạn kháng chiến, chúng ta được xem lại một loạt những tác phẩm về Bác trong suốt giai đoạn mười năm hòa bình và 8 năm chống Mỹ. Trước hết, đó là một loạt những tác phẩm hồi tưởng về Bác trong thời kỳ kháng chiến, đặc biệt thời kỳ Bác đi chiến dịch Biên giới. Trên cơ sở chủ đề thống nhất là bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, 3 họa sĩ Nguyễn Văn Bổng, Đào Đức, Phạm Văn Đôn, đã sáng tác 3 tác phẩm khác nhau. Nguyễn Văn Bổng làm tranh màu dầu: Đêm đông, qua ánh lửa hồng, Bác đang ngồi trầm tư thương đoàn dân công bộ đội phải ngủ ngoài đường “lấy lá cây làm chiếu”. Đào Đức làm tranh cổ động tả Bác đang chong đèn làm việc; ngoài trời bộ đội đang tấp nập tiến vào chiến dịch. Phạm Văn Đôn làm tranh sơn mài, tả Bác đang khoác một chiếc áo bông sơ sài, ngồi xếp bằng bên một ngọn đèn dầu đang chăm chú đọc báo cáo từ các mặt trận gửi về. Dương Bích Liên làm tranh sơn mài cỡ lớn Bác Hồ đi công tác tại chiến khu Việt Bắc.

Một số họa sĩ, các nghệ nhân lại mượn chủ đề từ các bài thơ Việt Bắc và Ta đi tới, Sáng tháng Năm của Tố Hữu… Nổi bật nhất trong số này chúng ta được xem pho tượng đất nung Bác trên đường đi công tác ở Việt Bắc rút ra từ hai câu thơ: “Nhớ Người những sáng tinh sương / Ung dung yên ngựa trên đường suối reo” (Tố Hữu) của lão nghệ nhân Nguyễn Văn Quây (quê làng Tiên Hội, huyện An Lão, ngoại thành Hải Phòng sáng tác năm 1970)… Cùng đề tài này, họa sĩ Cửu Long Giang tả Bác vừa xuống ngựa đang ngồi nghỉ trên một tảng đá bên bờ suối và giở sổ tay ra viết, giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ đầy màu sắc. Thọ Vân tả Bác mặc áo trấn thủ, vai đeo túi vải, chân dép lốp đang ngồi nghỉ dọc đường, bên cạnh là đồng chí bảo vệ đang buộc dây giày chuẩn bị lên đường. Các nghệ nhân Song Hỷ và Nguyễn Văn Trọng thì dùng chỉ màu thêu chân dung Bác. Nguyễn Thuyết Trình sử dụng chất vỏ trai ghép trên đồng, thể hiện Bác và ba em thiếu nhi gái đang quây quần xem sách, như cảnh ông cháu trong một gia đình. Đặc biệt nghệ nhân Nguyễn Anh Viên đã sử dụng tới 65 loại gỗ quý ghép nên hình Bác trong tư thế như một vị chỉ huy, mặc quân phục, đứng trên núi quan sát trận địa, mượn ý từ hai câu thơ của bác “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ, vạn trùng mây “, tác giả đặt cho tác phẩm một cái tên theo lối cổ tự: Đăng sơn – tức lên núi. Cùng đề tài, Nguyễn Thụ và Huy Oánh lại bố cục khác, tả Bác vận bộ quân phục trong kháng chiến, như một vị tổng tư lệnh, có mặt trong mọi cuộc hành quân vĩ đại của Tổ quốc chống xâm lăng. Tranh đề Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân. Cùng đề tài “Bác với các lực lượng vũ trang”, Mai Văn Hiến có tác phẩm tranh dầu cỡ lớn Những lời bảo ban; Cao Thương làm tranh dầu Bác thăm một đơn vị pháo Hồ Tây – Nguyễn Văn Thiện, Vương Trình làm tranh dầu cùng đề tài Bác thăm một đơn vị tên lửa được rút ra từ câu nói thuộc, đầy tình thương yêu các lực lượng vũ trang của Bác: “Các chú mặc như thế này đã đủ ấm chưa?” . Huy Toàn làm tranh dầu Bác thăm một đơn vị pháo cao xạ, Quang Thọ sáng tác: Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam…

Đề tài Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ với công nhân, Bác với các nữ anh hùng chiến sĩ thi đua… Về chủ đề này, một loạt những tác phẩm của các họa sĩ, các nhà điêu khắc như: Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Vương Trình, Nguyễn Văn Thiệp, Phạm Xuân Thi, Trịnh Thiệp, Trọng Kiệm, Quang Phòng, Hà Quang Phương, Thẩm Đức Tụ, Châu Đình Du, Phan Gia Hương, Dương Đăng Cẩn, Trương Thanh Trà; v.v… đã gây ấn tượng khá sâu sắc trong người xem.

Nhưng trong số này phải kể đến một số tác phẩm tái hiện về Bác qua những đề tài lịch sử khá lớn, như Bác về nước, Bác làm việc tại hang Pắc Pó – Cao Bằng, Bác làm việc bên bờ suối, Bác câu cá bên bờ suối, Chiếc lán nhỏ của Bác bên bờ suối… của nhiều họa sĩ quen biết như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An, Trịnh Phòng, Mai Văn Hiến, Trọng Kiệm, Thế Vỵ…

Kết thúc phần giới thiệu bộ sưu tập, không thể không nhắc tới một số tác phẩm miêu tả khá thành công với nhiều góc độ khác nhau – về ngôi nhà sàn của Bác trong vườn Phủ Chủ tịch sau ít năm Bác mất. Về đề tài này, các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Văn Giáo v.v… đã cho chúng ta xem những tác phẩm Nhà Bác trong đêm, Nhà Bác mùa phượng nở, Nhà Bác buổi sáng Tháng Năm, Bác tưới cây vú sữa, Bác cho cá ăn… Ngoài ra, còn phải kể đến một số chân dung Bác khá thành công, đã được phổ biến hoặc đang nằm trong dự kiến, đồ án thể hiện trong tương lai. Đó là Chân dung Bác của Diệp Minh Châu (đắp nổi) và tranh cổ động chân dung ghi những câu nói nổi tiếng của Bác, như “Không gì quí hơn độc lập tự do”. “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc”, “Miền Nam trong trái tim tôi”… của hai họa sĩ Lê Huy Trấp và Việt Quang…, Tượng đài Bác của Phước Sanh, Song Văn. Tượng chân dung Bác của Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Lắm. Riêng tượng Bác (đứng) của Văn Hòe đã được thể hiện bằng đồng trên đồi cây bạch đàn Vĩnh Phú với 79 bậc thềm lên (tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác).

 

Thật khó mà kể cho hết được số tác phẩm của những người nghệ sĩ đủ lứa tuổi và thế hệ đã vẽ tranh, nặn tượng về Bác trong bộ sưu tập của bài viết ngắn ngủi này.

Bác Hồ luôn quan tâm đến đời sống nghệ thuật, cũng như nghệ thuật không ngừng hướng về Bác Hồ và không phải chỉ có những người nghệ sĩ mà nhân dân cả nước hết thảy đều mong mỏi có được những tác phẩm tranh tượng đẹp nhất, dựng lại hình tượng vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với tất cả những người làm tranh, nặn tượng về Bác.

Trần Thức

Nhận xét