CÂU ĐỐI “NHẤT SINH ĐÊ THỦ BÁI MAI HOA “
CÓ PHẢI CỦA CAO BÁ QUÁT ?
TG:Nguyễn Khôi
Trong tạp chí Diễn đàn văn nghệ VN số 3/2006, nhà thơ Phạm Tiến Duật (Tổng biên tập) có đăng bài thơ “cây mai trắng trong phòng Tổng Biên tập” tặng nhà văn, Hữu Ước, có dẫn ở phần “đề từ” câu đối là của Cao Bá Quát :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Dịch là :
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)
nhưng sự thực không phải là như vậy.
Theo các tài liệu đã được các nhà nghiên cứu tiền bối công bố, thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau :
Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh : cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ 2 là cử nhân Hoàng Tịnh.
Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng bộ, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến huyện thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ Việt Nam được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn :
Hữu Khẩu tu ngôn thiên hạ sự
Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân
Tạm dịch :
Có miệng nên nói việc thiên hạ
Nghị lực không chịu nhường người xưa.
Câu đối tặng Nguyễn Tử Giản :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Tạm dịch :
Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai
Câu đối tặng Hoàng Tịnh:
Truyền thần cổ hữu Lý Tư Huấn
Vấn tự kim vô Dương Tử Vân
Tạm dịch :
Truyền thần xưa có Lý Tư Huấn
Hỏi chữ nay không Dương Tử Vân.
Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890) sách viết tay của thư viện khoa học Trung ương, số A.852 tờ 18a-b; Cứ liệu trên đã được các học giả Tảo Trang và Hoa Bằng đưa ra trên tạp chí văn học số 2-Hà Nội năm 1972, trang 61 và 64).
Câu đối “… bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tử Giản là vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)… phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời ?
Góc Thành Nam-Hà Nội ngày 5-12-2006
TG:Nguyễn Khôi