Trang chủ » Tin tức » Chữ Nôm và kho chữ Hán Nôm mã hóa

PGs.TS. Trịnh Khắc Mạnh

Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Chữ Nôm ra đời có ý nghĩa hết sức lớn lao, đánh dấu bước phát triển của nền văn hoá dân tộc Việt Nam, ý thức tự cường và khẳng định vai trò địa vị của tiếng Việt. Có nhiều học giả trong nước và ngoài nước đã đi sâu tìm hiểu về sự ra đời của chữ Nôm Việt Nam. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của chữ Nôm: Lê Dư và Gs Nguyễn Đổng Chi đã căn cứ vào ý “Sĩ Vương bắt đầu lấy chữ Hán để dịch ra tiếng ta” của Nguyễn Văn San trong Đại Nam quốc ngữ, để đưa ra nhận định cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ II). Nguyễn Văn Tố thì dựa vào chữ “Bố Cái”, mà nhân dân suy tôn Phùng Hưng là “Bố Cái đại vương” để cho rằng chữ Nôm có từ cuối thế kỷ thứ VIII. Học giả Trần Văn Giáp đã căn cứ vào chữ “Cồ” trong quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, để cho rằng chữ Nôm có từ thời nhà Đinh. Trần Huy Bá dựa vào chữ “Ông Hà” khắc trên chuông Vân Bản tự chung minh tìm được ở Đồ Sơn có niên đại năm 1076, để cho rằng chữ Nôm có từ thời nhà Lý. Hai nhà nghiên cứu, là Gs Nguyễn Tài Cẩn và Gs Lê Văn Quán đã căn cứ vào mặt thanh mẫu, vận mẫu để chứng minh chữ Nôm không thể có từ thời Sĩ Nhiếp mà xuất hiện sau thời Đường Tống. Gs Đào Duy Anh cho rằng: do yêu cầu mới của xã hội từ sau cuộc giải phóng, đặc biệt dưới các triều Đinh, Lê và đầu Lý, chữ Nôm đã xuất hiện.

Bắt đầu từ thời nhà Lý, chúng ta thấy trong các văn bia hiện còn lưu giữ được, xuất hiện những chữ Nôm ghi tên đất và tên người, như: Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí (niên đại 1173) có các chữ:: “Bà Cảm, đầu đình, cửa ngõ, bến sông”; Chúc Thánh Báo Ân tự bi (niên đại 1185-1214) có các chữ: “Bà Đỗ, đồng Mộc”; Báo ân thiền tự bi ký (niên đại 1210) có các chữ “đồng Hấp, đồng Chài, đồng Nhe”. Những chữ Nôm khắc trên các văn bia thời Lý là sản phẩm của giai đoạn đầu trong quá trình hình thành và phát triển của chữ Nôm trong các văn bản và làm tiền đề tạo nên văn học chữ Nôm ở Việt Nam.

Thời Trần, theo các tài liệu đã công bố, các tác gia văn học thời Trần đã tạo nền móng cho việc sáng tác văn học bằng chữ Nôm. Đây là sự khởi đầu, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển nở rộ những tác phẩm văn học chữ Nôm các thế kỷ tiếp theo. Chúng ta còn lưu giữ được một số bài phú viết bằng chữ Nôm ở vào thời kỳ này, như: Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông; tiếp đến là Hoa Yên tự phú của Lý Đạo Tái và Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi. Bốn bài phú này, hiện còn được ghi chép trong sách Thiền tông bản hạnh.

Thời Lê sơ, vào thế kỷ XV, tác phẩm chữ Nôm thời kỳ này đạt được những thành tựu nhất định, như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông và nhiều tác giả khác; đây là những tập thơ lớn viết bằng chữ Nôm, một ngôn ngữ của dân tộc, điều này chứng tỏ tinh thần ngôn ngữ dân tộc đã có tác động lớn lao đến đời sỗng văn hóa xã hội thời kỳ này.

Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, trải qua các triều đại phong kiến: Mạc-Lê Trung Hưng-Tây Sơn và Nguyễn, các tác phẩm chữ Nôm giai đoạn này phát triển nhiều về số lượng và đa dạng về thể loại. Phú viết bằng chữ Nôm vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều kịch bản tuồng viết chữ Nôm theo lối văn biền ngẫu (có xen chữ Hán) đã ra đời trong giai đoạn này. Thơ chữ Nôm tiếp tục nở rộ, với nhiều tác giả tiêu biểu, như  Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trịnh Căn, Trịnh Doanh; Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Tông Khuê, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan,v.v.. Đặc biệt văn học chữ Nôm thời kỳ này đã xuất hiện những thể loại văn học mới, như: Ca trù, hát nói, diễn ca, truyện thơ lục bát và song thất lục bát, truyện thơ luật Đường. Đây là những thể loại được sáng tác bằng chữ Nôm, như các tác phẩm của Lê Đức Mao, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài ra còn hàng loạt các tác phẩm thơ Nôm lục bát khuyết danh, khác.

Chữ Nôm ra đời, đã đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển của nền văn hoá dân tộc, giai đoạn nước Đại Việt vững bước trong kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất, tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Để giới thiệu với thế hệ người Việt Nam hôm nay về giá trÞ của chữ Nôm trong nền văn hóa dân tộc, nhiều thế hệ nghiên cứu Hán Nôm học Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX đã tiến hành nghiên cứu chữ Nôm và giám định, phiên dịch, công bố nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị ra tiếng Việt hiện nay và biên soạn các sách công cụ để tra cứu chữ Nôm.

Đặc biệt từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX (1994) đến những năm đầu của thế kỷ XXI (2006), để xúc tiến việc quốc tế hóa chữ Nôm, một phương tiện tốt nhất để bảo tồn và phát huy hiệu quả việc giao lưu chữ Nôm; Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan chính (cả về tài chính và chuyên môn), cùng các chuyên gia chữ Nôm đã tham gia xây dựng bảng mã chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế IRG/ISO, dựa trên những mã chữ Nôm ghi trong các tác phẩm Nôm có giá trị hiện đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện nay tổng số chữ Nôm Việt đã đưa vào kho chữ chung quốc tế là 9299 chữ, trong đó số chữ Nôm không trùng hình với chữ của các nước trong khu vực khoảng 4200 chữ. Còn hơn 2.000 chữ mới (gồm chữ Nôm Việt và chữ Nôm Tày) đang được xem xét tiếp tục đưa vào bảng mã chuẩn quốc tế. Hơn nữa trong 3 năm (2003 – 2005), Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã giao cho Gs.TSKH Nguyễn Quang Hồng thực hiện nhiệm vụ lập bảng đối chiếu chữ Nôm – âm đọc và hình chữ, công việc này đã được hoàn thành tốt và rất có giá trị. Trong suốt mười mấy năm Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện nhiệm vụ mã hóa chữ Nôm và xây dựng bảng đối chiếu, Ts. Ngô Thanh Nhàn và Ts. Ngô Trung Việt đã cùng cộng tác với Viện hết sức có hiệu quả, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xin trân trọng cảm ơn.

Để quảng bá rộng rãi kết quả của kho chữ Nôm đã được mã hóa, Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam cùng với Nhóm Nôm Na của Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) đã thảo luận và quyết định hợp nhất công việc của hai bên đã làm trong nhiều năm qua thành công trình Kho chữ Hán Nôm mã hóa giới thiệu cùng bạn đọc. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho những người nghiên cứu chữ Nôm, quan tâm đến chữ Nôm ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhận xét