Truyền thuyết “Trăm Trứng” của người Mường (kể lại trong sử thi “Đẻ Đất Đẻ Nước” ) nói: 50 người con về miền đồng bằng trở thành tổ tiên người Việt; 47 người đi lên miền núi, họ là tổ tiên của các dân tộc miền núi, còn lại 3 người sinh ra từ những trứng đầu tiên: Tá Cài, Tá Cần, và Dạ Kịt. Sau khi anh cả là Tá Cài bị rắn cắn chết, các mường mời Tá Cần lên ngôi vua. Tá Cần lấy bà Chu Bà Chương sinh được 18 con: 9 con trai và 9 con gái. Họ trở thành lang (thủ lĩnh) và chia nhau đi coi giữ các bản Mường.
Qua hai truyền thuyết trên, chúng ta lưu ý đến con số 18. Các sách sử cổ của ta như Việt Nam thế chí, Đại Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký Toàn thư…và ngọc phả Hùng Vương hiện lưu trử tại đền Hùng đều nói đến con số 18 đời vua Hùng. Truyền thuyết và phong tục cổ truyền của dân gian ta nhiều lần nhắc tới con số 18: Truyện Bánh chưng bánh giầy kể rằng vào cuối đời vua Hùng thứ 6, vua đã truyền ngôi, khônng phải cho con cả mà là cho con trai thứ 18, tên là Lang Chiêu, người đã làm được và đem dâng vua hai thứ bánh ngon lành và ngụ nhiều ý nghĩa.
Truyện Ông Dóng ghi lại chi tiết: người anh hùng làng Dóng bảo sứ giả của vua Hùng đúc cho ngựa sắt cao 18 thước, với ngựa này Dóng sẽ đi dẹp giặc.
Truyền thuyết về vua Thục An Dương và thành Cổ Loa cho biết vòng trong cùng của thành có 18 u hoả hồi.
Trong tục rước nõn nường phổ biến ở khá nhiều địa phương vùng trung du và miền đồng bằng Bắc Bộ, dân gian xưa mang đi trong đám rước 18 cái nõn và 18 nường (là những vật tượng trưng có ý nghĩa phồn thực).
Con số 18 được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều trường hợp khác nhau chắc có một vị trí quan trọng trong thế giới quan của người Việt cổ.
Tìm hiểu các trống đồng Đông Sơn, lại thấy thêm một điểm đặc sắc. Đếm kỹ số lượng chim trong các vành chim bay – loại chim được nhiều nhà nghiên cứu xem là vật tổ của người Việt cổ – thì mỗi vành có đúng 18 chim! Một điều rất lý thú nữa là: ở vành chim trên mặt trống sông Đà tìm được trong một bản Mường thuộc tỉnh Hoà Bình, lúc đầu nghệ nhân sơ ý nên chỉ chia vành ra 17 cung bằng nhau, khi khắc trên khuôn đúc đến hình chim thứ 16 thì chỉ còn lại có một đoạn, vì vậy bắt buộc nghệ nhân phải khắc hai hình chim vào đoạn cuối cùng này cho đủ số 18 chim (nếu không làm như vậy thì vành chỉ đủ chỗ cho 17 chim thôi).
Điều này một lần nữa cho thấy ý nghĩa rất quan trọng, rất cơ bản của con số 18 trong đời sống tinh thần người Việt cổ. Phải chăng con số 18 đời các vua Hùng là 18 dòng họ đầu tiên kết hợp với nhau trong liên minh bộ lạc Văn Lang, lấy tổ hợp bộ lạc chim – Rồng làm nồng cốt? Bản thân con số 18 có mặt trên trống đồng, sự hiện diện của 18 chim vật tổ trên các trống đồng cổ nhất, to nhất, đẹp nhất của trống Ngọc Lũ, trống Sông Đà, trống Khai Hoá… phải chăng đó là dấu ấn cụ thể của triều đại 18 vua Hùng, là căn cứ vật chất xác nhận sự tồn tại của thời đại Hùng Vương dựng nước.