Người đời cần phải tu Phúc và Tuệ. Tùy theo phương tiện mà làm việc giúp ích cho người, tránh xa tất cả việc ác, gọi là tu Phúc vậy.
Biết nhân-quả, biết tội-phúc, xem kinh Phật trông rõ lý tính, xem sách Nho ngoài hiểu đạo thế, gọi là tu Tuệ vậy.
Tu Phúc được giàu sang, tu Tuệ được thông minh. Tu Tuệ không tu Phúc thì thông minh mà nghèo khổ, tu Phúc không tu Tuệ đời sau được giàu sang mà ngu si, Phúc Tuệ nếu gồm tu, vừa được giàu sang vừa được thông minh. Cả hai đều không tu, đã ngu si mà lại nghèo khổ ! Phật sở dĩ Phúc Tuệ gồm tu, cho nên mới nói Ngài là bậc Lưỡng-Túc-Tôn, nghĩa là Phúc và Tuệ đều đầy đủ vậy.
Xưa có hai người cùng tu hành, một người chuyên tu Phúc, một người chuyên tu Tuệ. Qua kiếp sau người chuyên tu Phúc nhờ hưởng Phúc nhưng tạo ác, phải đọa làm loài voi, do có Phúc đời trước, quân nhân cỡi đi đánh giặc, có công thắng trận vị Quốc Vương ban cho chuỗi Anh lạc.
Còn người chuyên tu Tuệ, sau chứng được quả A La Hán, nhưng vì kiếp trước không tu Phúc, nên nay làm vị Tăng đi khất thực, nhiều chỗ không cho cơm ăn. Cho nên Phật nói bài kệ như sau:
Tu Phúc không tu Tuệ
Làm voi đeo Anh lạc
Tu Tuệ không tu Phúc
Chứng quả mà đói dạc.
Thế nên cả hai Phúc và Tuệ cần phải kiêm tu vậy. Nhưng bất đắc dĩ thà rằng: Tu Tuệ hơn tu Phúc, chứ đừng cho rằng tu Phúc hơn tu Tuệ – Tại sao ? Vì nếu Tuệ hơn Phúc thì còn biết Tội Phúc mà giữ gìn cho khỏi sa đọa; còn như Phúc hơn Tuệ thì được hưởng Phúc mà tạo ác, nên dễ bị sa đọa ! Vì thế kinh Lăng Già chép: Hưởng chút vui đời hiện tại mà trồng quả khổ đời vị lai là vậy.
Phật nói bài kệ rằng:
Gồm tu Phúc cùng Tuệ
Lại niệm Phật A Di Đà
Trong hoa sen Chín Phẩm
Phẩm nhất lại nhường ta.
Người trai giới tỏ ngộ, chuyên tu Tịnh Độ, sẽ sinh lên Phẩm Thượng của Chín Phẩm đài sen.
Phật lại nói bài kệ rằng:
Tuy tu Phúc cùng Tuệ
Không biết niệm Di Đà
Chưa được La Hán quả
Luân hồi khó thoát ra.
Song người ở trong thế gian này, tu hành được quả A La Hán mới khỏi luân hồi sanh tử.
(Trích trong sách Long Thư Tịnh-độ, Tiến sĩ Vương Nhật Hưu).
Ghi chú: Trong Phật giáo có câu Phước Huệ song tu là nghĩa này (Phúc có nghĩa là Phước, Huệ có nghĩa là Tuệ). Người ở thế gian này, còn một cách khác để thoát khỏi luân hồi sanh tử, đó là tu theo pháp môn niệm-PHẬT. Niệm PHẬT ở đây là niệm cho chính đức PHẬT ở trong mỗi người chúng ta được giác ngộ để thành PHẬT. Chứ không phải niệm cho chư PHẬT. Theo nguyên lý thì niệm gì thì thành đó: Niệm ma thành ma, niệm người thành người, niệm PHẬT thành PHẬT. Trong thời đại ngày nay, thời kỳ mạt-pháp, tu hành để chứng quả A-la-hán để ra khỏi vòng luân hồi sanh tử chỉ là chuyện trong mơ. Duy chỉ có pháp môn Niệm-Phật để thoát ly sanh tử là pháp môn thích hợp duy nhất.