Ở nước ta, trước đây và đến nay vẫn còn lại ở một số đền thờ, nhà dân có treo bức hoành phi chữ Hán “Ẩm thuỷ tư nguyên” hoặc “Ẩm hà tư nguyên”. Câu thứ nhất có nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”; câu thứ hai là “Uống (nước) sông nhớ nguồn”. Vậy hai câu có cùng ý nghĩa?
Người Việt Nam ta có câu “Uống nước nhớ nguồn”. Người phương Bắc cũng có câu tương tự. Câu đó viết ra chữ Hán và đọc theo âm Việt là “Ẩm thuỷ tư nguyên”. Tuy cũng là uống nước nhớ nguồn, nhưng ý nghĩa tư tưởng của người Việt và người phương Bắc khác nhau. Người Việt ta sống có nghĩa có tình, luôn nhớ và biết ơn cội nguồn – đất nước, giống nòi, tổ tiên – nơi cho là cuộc đời cuộc sống. Cho nên dân ta thường nói “Uống nước nhớ nguồn”. Uống nước nhớ nguồn cũng là một biểu đạt tâm tưởng hàm ơn đối với một sự việc hoặc những ai đó có nghĩa cử lớn lao với mình hoặc với nhiều người, với dân, với nước, như nhớ ơn công lao các bậc tiền nhân đã xây nền dựng nước, các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì dân tộc để giữ gìn Tổ quốc….
Người phương Bắc mỗi khi nói về một thành ngữ nào đó thường dẫn ra điển tích của thành ngữ đó. Câu “Ẩm thuỷ tư nguyên” là được rút ra từ chuyện ông Dĩu Tín. Chuyện thì dài, xin tóm lược: thời Nam Bắc triều ở nước Trung Hoa xưa có ông Dĩu Tín làm quan nhà Lương (thuộc Nam triều). Năm 554, Dĩu Tín được cử làm sứ thần sang Tây Nguỵ (thuộc Bắc Triều). Lúc Dĩu Tín tới Tràng An thì quân Tây Nguỵ vây hãm Giang Lăng bắt giết vua Lương Nguyên đế Tiêu Dịch. Từ đó Dĩu Tín phải ở lại làm quan Bắc triều 26 năm, suốt từ Tây Nguỵ đến đời vua Văn Đế nhà Tuỳ. Việc đó, với Dĩu Tín không chỉ là phải xa lìa quê hương mà còn tự cho mình là thất lễ nên mới soạn bài “Vị diệu khúc” có câu “Ẩm kỳ thuỷ giả, hoài kỳ nguyên” đại ý muốn nói lòng mình mỗi khi uống nước lại nhớ tới nguồn. Ở một đất nước luôn có các cuộc tranh giành quyền lực và chiếm đoạt đất đai, phải cảnh loạn lạc xa lìa quê hương sống nơi đất khách quê người, nhiều người, nhất là các quan lại thấm đẫm tư tưởng trung quân luôn nhớ về nước cũ, vua xưa, trong lòng luôn có tâm trạng như Dĩu Tín và để bày tỏ lòng mình mới cho khắc 4 chữ “Ẩm thuỷ tư nguyên” treo nơi mình ở hoặc nơi làm việc.
Như vậy, tâm tưởng gửi gắm trong câu “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt khác hẳn tâm tưởng người phương Bắc trong câu “Ẩm thủy tư nguyên”. Người Việt không chỉ nhớ nguồn mỗi khi uống nước, mà mạch nguồn là dòng chảy liên tục từ đầu nguồn tới cuối sông. Cuộc sống của người Việt gắn bó với sông nước, mà nước phải có mạch nguồn, cho nên ra sông lại nhớ tới nguồn. Tâm tưởng này được đời xưa ghi lại bằng chữ Hán “Ẩm hà tư nguyên”. Từ thời Bắc thuộc đến thời phong kiến tự chủ, ở nước ta, chữ Hán được xem là thứ chữ chính thức của nhà nước trong quản lý hành chính, mỗi khi động đến chữ là đều dùng chữ Hán. Hoành phi câu đối treo nơi công sở, treo ở nhà dân hay đền chùa đều là chữ Hán là do vậy. Tuy nhiên, được coi là chữ viết chính thức chứ chữ Hán không là ngôn ngữ chính thức trên đất Việt, bởi tiếng nói và chữ viết không là một. Nhà nước phong kiến dùng văn bản chữ Hán trong quản lý hành chính nhưng đọc nó bằng âm Việt chứ không đọc bằng âm Hán, còn người dân giao tiếp hàng ngày bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Sự thực tuy mang dành là thứ chữ viết chính thức nhưng trong cuộc sống người Việt, chữ Hán là ngoại ngữ. Người Việt nói uống nước nhớ nguồn chứ không nói “Ẩm thuỷ tư nguyên” như người học chữ Nho đọc. Người Việt phân biệt rạch ròi “Ẩm thủy tư nguyên” là câu của ông Dĩu Tín bên Tàu. Với mọi người “Ẩm hà tư nguyên” chính là uống nước nhớ nguồn. Chuyện ông Dĩu Tín không nhiều người biết, mà có ai biết thì cũng dần quên, chỉ khắc sâu trong lòng câu “Uống nước nhớ nguồn”.
Lịch sử như bánh xe quay, nó để lại trên đường nó đi qua những dấu vết. Những dấu viết ấy được thử thách qua thời gian, cái gì còn lại trở thành di sản cho đời sau. Các biển đề chữ viết của một thời đến nay còn lại đó là những thứ quý giá cần trân trọng gìn giữ. Thời đại đã thay đổi, chữ viết đã đổi thay nhưng tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta thì toả sáng mãi. Ngày nay, nếu cần biểu thị tinh thần ấy ở nơi nào đó bằng chữ viết biển đề như ông cha ta đã từng làm thì chỉ cần trình bày trang trọng 4 chữ “Uống nước nhớ nguồn” bằng chữ quốc ngữ hiện hành để mọi người ai cũng đọc – hiểu được.
Nhật Lệ- Thế giới trong ta, số 387/2011, số 6