cũng nhẹ nhàng mà thâm thúy kín đáo. Tranh “Đánh ghen” với lời đề “Thôi thôi nuốt giận làm lành. Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta”, bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ươc lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong…và hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ trẻ (đang được người chồng ôm ngực bảo vệ) thách thức chìa tóc ra, vênh váo…khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống “chồng chung vợ chạ” trong thực tế thường xảy ra trong các gia đình giàu có, của ăn của để.
Đặc điểm của tranh dân gian Đông Hồ là rất động và vui. Tranh Đông Hồ thường có nhiều yếu tố biếm họa mà bức “Đánh ghen” là một đỉnh cao. Yếu tố biếm họa thể hiện ở sự cường điệu hóa các hình thể và đường nét trong tranh, tạo nên sự sôi động, nét hài hước, vui nhộn trước một tình huống bi kịch gia đình . Xem “Đánh ghen”, ta thấy yếu tố tĩnh và động được kết hợp hài hòa, dù cái động có phần trội hơn. Những hình ảnh tĩnh trong tranh là hình tượng cây tùng, bức bình phong, tường hoa, cây cảnh…. đối lập là các hình tượng nhân vật rất động với dáng điệu quyết liệt trong sự giằng co của trận đòn ghen bất phân thắng bại giữa hai bà vợ mà hai nhân vật trung gian là ông chồng và đứa con.
Nét vẽ trong tranh rất phong phú, những nét thẳng của bình phong, tường hoa làm tôn lên những đường cong của các nhân vật, vốn rất đặc trưng trong cách tạo hình của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Một tổ hợp các đường cong được nối tiếp với nhau tạo nên các nhân vật có dáng điệu rất sinh động trong tranh. Tuy là vật thể tĩnh, nhưng chính đường cong của tấm bình phong cũng tạo nên nhịp điệu trong bố cục của tranh.