Trong đạo “Tam Cương” có ba mối quan hệ vua tôi – cha con – chồng vợ. Nhưng hai mối quan hệ sau là cơ bản vì gia đình là tế bào của xã hội. Người trai Đại Việt có tu thân, tề gia trước mới trị quốc, bình thiên hạ được. Xét hai mối quan hệ này thì quan hệ vợ chồng thuộc phạm trù nguyên nhân, quan hệ cha con thuộc phạm trù kết quả. Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về ý nghĩa từng nhân vật đặt trên ba đỉnh của tam giác nhân quả trong bức tranh mộc mạc và rất thâm thuý này.
Trụ cột gia đình phải là người cha như thân cây dừa mọc thẳng hiên ngang giữa đất cằn sỏi đá, dù mưa bão đại dương hết năm này tháng nọ, đe dọa vẫn đứng vững hiên ngang đơm hoa, kết trái ngọt cho đời. Trèo dừa là công việc vất vả nguy hiểm. người làm cha luôn dũng cảm vượt qua mọi thử thách bươn trèo tới đỉnh cao sự nghiệp, gặt hái tiền bạc danh vọng như bẻ trái dừa trên cao cho vợ con vậy.
Thông thường khi cha trèo cây hái quả thì con trẻ hớn hở chạy nhảy dưới đất ngẩng mặt lên cao chờ đợi những trái ngọt từ tay cha mình tung xuống. ở đây hai đứa con lại bấu chặt vào gốc cây như muốn chia sẻ nỗi vất vả hoặc quyết noi gương cha trèo lên vượt mọi hiểm nguy, làm rạng rỡ thêm truyền thống gia tộc Cha con là mối tương quan trực hệ, cùng tựa vào truyền thống đạo đức, nề nếp, gia phong mà vươn lên, vươn mãi theo lý tưởng ” vinh thân phì gia”