Trong bức tranh là cả một thế giới của cóc, nhái, ễnh ương rất nhộn nhịp trong lớp học với một thầy ếch lớn ngồi chễm chệ trên chiếc sập đang dạy học. Hình tượng sinh vật, nhưng chúng lại có hành động nhân cách hóa như người. Trên bức tranh có dòng chữ “Lão Oa độc giảng”. Tức là ông Ếch một mình giảng dạy (Oa có thể dịch là “ếch”, nhưng trong dân gian vẫn gọi tranh này là “Thầy đồ Cóc”, chữ “độc” trong tranh dịch là đọc, nhưng cũng đồng âm với “độc” là cô độc, một mình).
Hình tượng con cóc đã tồn tại và phổ biến từ rất lâu trong nền văn hiến Lạc Việt. Đối với những nhà nghiên cứu hoặc những ai đã từng nhìn thấy những chiếc trống đồng, thạp đồng Lạc Việt chắc không quên hình ảnh con cóc trên những vật thể này. Cóc đã từng oai vệ với vai trò là “cậu ông trời” trong các câu chuyện dân gian Việt Nam, Nhưng trong bức tranh dân gian này, cóc chỉ khiêm tốn làm một ông giáo già ngồi dạy học.