Tranh dân gian Đông Hồ – Rước Trống – H22

Giá: 350.000 VNĐ

Mã sản phẩm: H22

Kích thước: 38*48 cm

Tình trạng: Còn hàng

Chi tiết

-chất liệu tranh làm bằng giấy dó,màu tự nhiên,khung nhựa composit , mặt meka trong chống vỡ.

Ý nghĩa tranh

Bức tranh trình bày trong một khung hình chữ nhật, mô tả một đoàn trai tráng đang rước biểu dương sự vui tươi lành mạnh vào dịp hội mùa Xuân với cờ, quạt, trống, bảng hiệu, lọng che

Tranh dùng ba mầu: đường nét màu đen, trắng hồng và xanh nõn chuối trên nền giấy màu xanh nõn chuối nhạt, toàn diện nhìn rất hòa hợp với nhau. Tấm bảng dẫn đầu với bốn chữ “Trung nam bản xã” giới thiệu cùng mọi người: bọn họ thuộc lớp trai tráng trong làng, bởi chữ “trung” xác định đám thanh niên không còn trẻ (thiếu), nhưng cũng chưa già (lão).
Trong bức tranh này, ta thấy nét vẽ không chồng lên nhau, người này không che lấp người khác. Đó cũng kể như một sự kiện đặc thù, giống như loại tranh thủy mạc của Trung Hoa có cái độc đáo là chẳng cần theo luật “Đường chân trời” xa gần của thị giác mà trông vẫn…”có lí”, thơ mộng.
Bố cục bức tranh rất vững vàng, có khung vuông (bảng tên), có hình tròn (cái trống) gợi ta nghĩ tới sự uyển chuyển hòa hợp vuông tròn của trời đất, gợi nghĩ tới sự tích bánh trưng bánh dầy…
Hình tròn của trống Lưỡng Nghi ở trung tâm bức tranh nhìn thật nổi, thật bắt mắt với đám “trung niên” hai bên nào cờ, nào quạt đang rầm rộ tiến bước theo sau kẻ dẫn đầu câm bảng hiệu hãnh diện giới thiệu họ là đám trung niên trong làng. Bên trên trống có lọng che. Có người nói giữa trống vẽ dấu hiệu Âm Dương, mà Âm Dương là một triết lí, đạo nguyên thủy, “nhất âm nhất dương chi vi đạo” nên phải có lọng che cho uy nghi, trịnh trọng. Người khác không đồng ý nói nếu bàn như vậy thì hơi mông lung, sự thực trống cần có lọng che giản dị là để tránh mưa nắng, bảo vệ cho tang trống khỏi hư hao lúc nắng mưa thôi, vì tiếng trống giữa đám đông là rất cần thiết. Tế lễ, ra trận, múa sư tử chỗ nào cũng cần có trống, nếu để tang trống ướt vì mưa, hoặc rách, lủng lỗ thì hiệu lệnh của trống ban ra không còn trung thực, hào hứng và ý nghĩa nữa
Trong hầu hết tranh Đông Hồ bức nào cũng nhắc nhở với dấu hiệu Âm Dương. Âm Dưong là nguyên thủy của vạn vật, như con người có nam có nữ mà cái nguyên thủy của nam nữ là một đề tài muôn thuở, vô tận…
Đoàn diễn hành mỗi người chỉ đóng một cái khố đơn giản, để lộ phần thân thể khoẻ mạnh, cường tráng của những người đàn ông đã trưởng thành, đang gánh vách gia đình cũng như mọi công việc của làng xóm. Một điểm khác, ta lại thấy người nào trong tranh cũng búi tó củ hành! Điều này làm ta nghĩ đến một quan điểm xưa, người Việt Nam giống người Trung Hoa là thân thể do cha mẹ sinh ra rất quí, không nên cắt bỏ, dù là sợi tóc. Tại đây cũng có quan niệm cũ ta và Tầu khác nhau: Trung Hoa thi kết tóc đuôi sam còn người Việt Nam thì không làm như vậy mà lại búi gọn lên như một củ hành ở sau gáy cho…hách!

Búi tó củ hành,
Đàn anh thiên hạ.

“Hồi xưa trẻ con bất kể nam hay nữ đều được cao trọc đầu hoặc chỉ để ba chòm tóc ngắn ở phía thóp và hai bên mang tai trông giống như những trái đào, cũng đẹp. Lớn lên, chừng 12 hoặc 13 tuổi khi tự mình giữ được sạch sẽ, lúc đó con trai mới bắt đầu búi tó, con gái mới kẹp tóc vấn khăn, làm dáng, để tóc mai, đuôi gà. Kiểu tóc vừa trình bầy theo ông H.Maspero thấy ở xã hội nước ta từ thời thượng cổ, duy có nhà sư hay người làm ăn lam lũ thì mới cạo trọc đầu.” (Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh). Về sau toàn quốc phát động phong trào Duy Tân, mọi người nhận thấy để búi tó củ hành không hợp vệ sinh, mất thì giờ chăm sóc nên đã hưởng ứng cắt tóc ngắn. Trong số những người cắt tóc ngắn đầu tiên có cả vua Thành Thái “Húi hề! Húi hề! Bỏ cái ngu này! Bỏ cái dại này!” (Theo GS. Hứa Hoành, Sau bức cấm thành nhà Nguyễn).
Nhìn vào tấm bảng dẫn đầu ta thấy bốn chữ “Trung nam bản xã” rất cân đối. Hai thực thể “trung nam” và “bản xã” ràng buộc quấn quýt nhau như Âm và Dương vậy. “trung nam” cần “bản xã” để có địa bàn khai triển, hoạt động, hành sử việc đời. Tuổi của trung niên là tuổi hành động, thực hiện trách nhiệm, bổn phận…”Tam thập nhi lập”. Ngược lại, “bản xã” không có đám trung niên rường cột thì cũng khó đứng vững.
Thực vậy, về phương diện cụ thể điều hành, trung nam là thành phần chủ chốt lo toan gánh vác mọi công việc của làng xã. Lớp thiếu niên là những kẻ chưa vào đời, còn các vị bô lão thực sự chỉ giữ nhiệm vụ cố vấn.
Lại nữa, xã hội Việt Nam thời bấy giờ còn chưa chấp nhận người phụ nữ tham gia gánh vác việc làng việc nước cho nên trai tráng (trung niên) là một nỗ lực quan trọng. Ông lí trưởng phải luôn nắm vững, và luôn cập nhật hóa danh sách trung niên trong làng. Ông ta phải biết rõ có bao nhiêu “suất đinh” để điều hành sử dụng khi hữu sự vào những việc như đê điều, canh gác, sửa chữa đường xá… ngõ hầu tạo dựng được một tập thể thanh bình, phồn thịnh, tôn trọng luật lệ trong lũy tre xanh.
Nhưng chuyện này cũng cần được giữ kín bên trong lũy tre xanh, nó là “Bí mật quốc phòng” không nên để các làng lân cận biết rõ, và nhất là không nên để quan huyện tỏ tường. Mặt khác, quan huyện sở tại cũng muốn và cũng cần biết rõ mỗi làng có bao nhiêu suất đinh, nghĩa là quân số thực sự dưới tay được bao nhiêu để khi cần cũng hành xử như lí trưởng nhưng ở một qui mô rộng hơn. Theo Hoàng Văn Chí, phủ huyện thường gọi lí trưởng tới cật vấn việc này, quan lớn thì quát tháo bắt ông lí phải tăng thêm nhân số, lí trưởng thì gãi đầu, gãi tai, kể khổ, kì kèo bớt một thêm hai… cố tình khai bớt càng ít càng có lợi!

Sản phẩm cùng danh mục

Nhận xét