Chợ quê – một nét văn hóa Việt sắp biến mất. | Chợ Đông Biên ngày không phiên. |
Chợ quê là nơi trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó gắn rất chặt và là một phần không thể thiếu của văn hóa làng xã ở Việt Nam. Ở quê xưa mỗi xã đều có một cái chợ nhỏ, gọi là chợ làng bán mua hàng hóa thiết yếu thường ngày, vài xã thì lại có một cái chợ lớn hơn họp theo phiên, gọi là chợ huyện. Những chợ lớn ở Hải Hậu gồm có chợ Đông Biên – Hải Bắc họp vào các ngày 5 và 9 âm lịch, chợ Quán – Hải Hà họp vào các ngày 3 và 7, chợ Cồn – thị trấn Cồn họp vào các ngày chẵn, chợ Thượng Trại – Hải Phú họp vào các ngày lẻ,… Nét đặc trưng của chợ quê xưa là phần lớn người bán hàng ở chợ là những nông dân bán những sản phẩm do chính tay họ làm ra. Số tiểu thương chuyên nghiệp với sạp hàng cố định chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Chính vì đặc điểm này nên chợ chỉ bao gồm những mái đình trống, mỗi phiên chợ người bán hàng phải đến thật sớm để có thể chọn được cho mình một vị trí thuận lợi. Những “thương gia” quê nghiệp dư tham gia chợ chủ yếu theo phương cách hàng đổi hàng. Nghĩa là nếu như khi đi với một buồng chuối xanh đội trên đầu thì khi về sẽ là một con mèo con hoặc mấy con gà chiếp. Tiền chỉ đóng vai trò trung gian rất ngắn trong phạm vi chợ. Người phụ nữ xưa rất vất vả, suốt ngày lam lũ đầu tắt mặt tối với hàng trăm thứ việc không tên trong gia đình, khiến họ không còn thì giờ giao lưu với cộng đồng bên ngoài, bởi thế phiên chợ chính là cái cớ để họ ra khỏi nhà. Hành trang đến chợ của người phụ nữ không chỉ là những món hàng vật chất mà còn là cả những nỗi niềm tâm tư đầy ắp tìm nơi chia sẻ. Có thể nói chợ quê xưa góp một phần không nhỏ giúp giải phóng phụ nữ, giúp người phụ nữ có điều kiện quay về với nhịp sống sôi động của cộng đồng. Mỗi phiên chợ quê xưa được coi như một ngày hội, thế nên ngay khi hết phiên chợ này người ta lại bắt tay vào chuẩn bị tiếp những thứ cho phiên chợ sau. Buồng cau, buồng chuối, giàn trầu, ổ chó mới đẻ,… tất cả đều sẵn sàng lên thúng xuống chợ. | Chợ chiều. |
Các bà mẹ đi chợ bao giờ cũng có quà mang về cho lũ con ở nhà. Quà chợ của mẹ mộc mạc và đơn sơ lắm, khi thì bỏng ngô, bỏng gạo, lúc thì quả ổi, quả na,… nhưng luôn là những thứ mong đợi của con trẻ. Bởi nó thành “quy trình” như thế nên khi mẹ bắt đầu đi chợ là con ở nhà cũng bắt đầu mong, “mong như mong mẹ về chợ”. Xưa, khi mà kỷ nguyên túi ni lông chưa xuất hiện và hoành hành như bây giờ, việc gói ghém hàng rời ở chợ được thực hiện bằng các loại lá. Lá khoai dùng gói mắm, muối, lá chóc gói bánh đúc, bánh cuốn, lá chuối gói thịt, gói xôi,… Có một điều rất lạ là người ta gói được cả cua rốc bằng lá khoai. Sau khi đong cua bằng ống bơ, người bán đổ cua ra mấy chiếc lá khoai đã trải sẵn, trong lúc cua chưa kịp hoàn hồn thì hai tay người bán cua đã túm ngay các góc lá khoai gói lại và buộc chặt bằng dây chuối, cứ thế yên tâm bỏ vào thúng đội lên đầu như một mặt hàng bất động. Nhìn bàn tay thoăn thoắt của cô bán cua cũng phần nào cảm nhận được sự nhanh nhẹn tháo vát của người con gái, nhiều bà đi chợ thầm mong cưới về được cho con trai mình một cô gái bán cua như thế. Mà cũng lạ, cua bị bó cứng rất lâu nhưng khi về nhà cởi ra lại vẫn chạy ầm ầm, không con nào bị chuột rút hay chết lâm sàng cả. Việc gói ghém bằng lá ngoài ý nghĩa bảo vệ môi trường ra thì nó còn giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn, ví dụ như xôi hay thịt gói bằng lá chóc sẽ lâu thiu hơn gói bằng túi ni lông. Hơn nữa chính những chiếc lá cũng góp phần tạo thêm hương vị cho thực phẩm. Một điều chúng ta có thể cảm nhận được ngay là giò lụa gói bằng lá chuối ăn rất khác giò lụa gói bằng túi ni lông. Nhà nông thường có tính tự cung tự cấp rất cao, thóc trong bồ, lợn trong chuồng, rau ngoài vườn, cá dưới ao, gà ngoài sân,… Có thể cả năm không cần ra ngoài mà vẫn sống khỏe (khác với thành phố, ngắt điện mấy tiếng là thị dân thoi thóp như cá cảnh). Cái thiết yếu nhất từ chợ đối với người dân quê có lẽ là muối và mắm. Trong thúng của các bà đi chợ về luôn có một dúm muối, một dúm mắm đựng bằng lá khoai và buộc bằng một sợi rơm. Người địa phương khác thường phàn nàn rằng người Hải Hậu hay lạm dụng mắm tôm, hầu hết các món ăn đều có sự tham gia của mắm hoặc nước mắm. Người Hải Hậu giải thích rằng con gái ăn nhiều mắm sẽ… đẹp da, tăng chỉ số IQ và… chống ung thư. Thói quen dùng nhiều mắm cũng có cái lợi là trực tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp mắm Hải Hậu phát triển và tạo nên một thị trường mắm rất sôi động, liên tục “xanh sàn” ở các phiên chợ. Nói đến mắm tôm chợt nhớ đến phố Đông Biên xưa có một nhà hàng mắm chuyên nghiệp, đi qua hiệu ảnh Thanh Dung một đoạn là bắt đầu ngửi thấy mùi mắm tôm thật nồng nàn và quyến rũ. Đúng là hữu xạ tự nhiên hương, cả một con phố ngào ngạt mùi mắm, khỏi cần phải treo biển quảng cáo. Ai sống ở đó lâu ngày rồi đi xa chắc là nhớ mùi mắm lắm, giống như người Hà Nội nhớ mùi hoa sữa vậy. Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa thì chợ quê cũng là nơi cung cấp các dịch vụ thủ công như hàn dép, hàn xoong nồi, chữa khóa, sửa bật lửa,… Bên cạnh đó thì phố chợ cũng góp thêm mỗi nhà một dịch vụ gia truyền phục vụ người đi chợ như hiệu may, cắt tóc, sửa đồng hồ, vẽ truyền thần, xay bột,… Một mặt hàng rất quan trọng của chợ quê là nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: cày, bừa, móng, cuốc, dao, liềm,… Bên cạnh chợ bao giờ cũng có một vài cái lò rèn, người đi chợ có thể mua những sản phẩm bán sẵn của lò rèn, hay đặt hàng theo yêu cầu riêng hoặc cũng có thể sửa chữa, chuyển đổi đồ cũ đang dùng. Một ví dụ về chuyển đổi đồ cũ như con dao rựa chẳng hạn, sau một thời gian chặt cây, chẻ củi, mài đi mài lại nó sẽ bị mòn dần, đến một lúc nào đó không còn dùng vào việc “rựa” được nữa thì người ta mang xuống lò rèn để rèn lại thành con dao mác. Dao mác mòn thì lại rèn thành dao phay, và cuối cùng rất có thể sẽ là cái dao têm trầu. Một cục sắt dùng cả mấy đời người. Việc nhận gia công dụng cụ của các lò rèn thường được nhận vào phiên chợ này và hẹn trả vào phiên chợ lần sau. Đây cũng là một trong rất nhiều lý do khiến người ta luôn bị kẹt giữa các phiên chợ và không thể không đi chợ. Ngoài người lớn ra thì rẻ con cũng tham gia chợ với nhu cầu tìm mua lưỡi câu, dây cước, ngòi bút, lọ mực,… Bà hàng bán dây cước ngày xưa không dùng đơn vị đo là mét mà bằng sải tay, bọn trẻ con đi mua dây cước thường cho một thằng nhỏ con vào mặc cả, đến khi làm giá xong thì thằng lớn nhất với sải tay dài như vượn nhảy vào đo, hehe. | “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”. |
Ngày xưa không có internet nên chợ là một nơi trao đổi thông tin rất quan trọng, không đi chợ coi như bị mù tịt về thông tin. Qua “diễn đàn chợ” các bà các cô mới có dịp buôn dưa lê hàn huyên tâm sự với nhau. Cũng qua đi chợ mới biết nhà bà A có cái B nó cũng kháu gái, nếu chưa có đám nào hỏi thì mai tôi sang hỏi cho thằng con trai tôi. Đây cũng là một cách đánh tiếng từ xa và tuyên bố xí phần. Chợ quê không chỉ là nơi mua bán sản phẩm nội vùng mà còn là nơi người ta trao đổi những sản vật từ các vùng miền lân cận. Hải Hậu có 3 chợ thuộc loại trung tâm vùng là chợ Đông Biên, chợ Cồn và chợ Thượng Trại. Chợ Đông Biên nằm giữa “lục địa” với những sản vật đặc trưng là trái cây, đồ mây tre đan, giống cây trồng,… Chợ Cồn ven biển với tôm cá, mắm muối, chiếu cói,… Chợ Thượng Trại giữa vựa lúa phía tây của huyện nên thóc gạo bao giờ cũng “hơn” các chợ khác, và đặc biệt là rượu Hải Châu nổi tiếng, chồng uống vợ khen hay… Phiên chợ vui nhất trong năm phải nói ngay là phiên chợ tết. Tiếng pháo nổ đì đùng, người xe chen nhau hối hả với lá dong, cành đào, cành quất,… Mùi hương bài, mùi khói pháo hòa lẫn với mùi bánh rán, mùi mắm tôm tạo nên cái hương vị rất đặc trưng của chợ tết. Trẻ con ngày xưa có khi cất tiền mừng tuổi từ đầu năm đến cuối năm để đi chợ tết. Hehe. “Chợ chiều nhiều khế ế chanh Nhiều con gái đẹp nên anh phụ nàng”. Ngày nay, cuộc sống thị trường hối hả, các nhà bán lẻ chuyên nghiệp xuất hiện trong tận ngõ ngách từng khu dân cư, những cuộc bán mua vội vã bằng cách chống chân xe máy bên đường đang làm các chợ quê dần biến mất. Cùng với đó cả một “văn hóa phiên chợ” – một phần của văn hóa làng xã Việt Nam cũng sẽ không còn nữa, chỉ còn chút hồn Việt bay bổng chập chờn trong ký ức xa xăm của những người lớn tuổi. Đỗ Ngọc Nam |