Tranh sơn mài trúc lâm thất hiền
Bức tranh tích cổ Trúc Lâm Thất Hiền với 7 nhà thơ nổi tiếng theo tích cổ Trung Quốc.
Trúc Lâm Thất Hiền là thành ngữ dùng để chỉ bảy người hiền sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Ngụy, đầu nhà Tấn ở bên Tàu ngày xưa, vào thời gian giữa những năm 200 – 300 sau Tây Lịch. Bảy người hiền đó là các ông: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung, Nguyễn Hàm
Nhà Ngụy nối tiếp nhà Tây Hán và sau đó bị nhà Tấn soán ngôi. Trong truyện Tam Quốc Chí, cuối đời nhà Hán có giặc Huỳnh Cân, chít khăn vàng nổi lên khắp nơi. Anh hùng các nơi đứng lên tham gia dẹp loạn nhưng sau khi dẹp xong thì Đổng Trác chuyên quyền làm các anh hùng hảo hớn lại quy về với Viên Thiệu. Sau Tào Tháo có công dẹp loạn được vua phong làm Thừa Tướng rồi từ từ chuyên quyền lên tới chức Ngụy Vương. Tào Tháo qua đời, con trai là Tào Phi nối nghiệp rồi phế Hiến Hán đế mà lập lên nhà Ngụy. Tuy nhiên nhà Ngụy cũng chỉ được ít năm rồi đến thời Tào Phương lại bị quan Tư Mã Chiêu chuyên quyền. Tư Mã Chiêu qua đời để lại sự nghiệp cho con là Tư Mã Viêm. Tư Mã Viêm nối nghiệp xong lại truất phế Tào Phương lên làm vua mà lập nên nhà Tấn.
Tào Tháo vốn dòng dõi Hạ Hầu nhưng cha của Tào Tháo là Hạ Hầu Tung làm con nuôi hoạn quan Tào Đằng nên đổi thành Tào Tung. Tư Mã Chiêu là con trai của Tư Mã Ý là người rất có tài về quân sự, đã từng mấy lần cự địch với Khổng Minh ở núi Kỳ Sơn, chỉ thua trí Khổng Minh một bước nên thường thua trận. Giòng họ Tư Mã này là hậu duệ của Tư Mã Thiên thời Hán Vũ Đế, khoảng 150 năm trước Tây Lịch. Thời Hán Vũ Đế, Tư Mã Thiên giữ chức quan Thái Sử, chuyên việc viết sử, coi thiên văn… Dưới thời Hán Vũ Đế, hai tướng nhà Hán là Lý Quảng Lợi, anh vợ vua, và Lý Lăng thua trận khi đánh với quân Hung Nô bị triều đình hành tội. Hung Nô là dân vùng Mông Cổ bây giờ. Vì Tư Mã Thiên bênh vực Lý Lăng nên bị vua nhà Hán cho rằng Tư Mã Thiên không bênh anh vợ mình là khi quân nên bị xử tội phải bị cung hình (thiến) và bỏ tù . Sau khi mãn tù, vua lại vời vào phong quan tước cho. Lần này vì Tư Mã Thiên đã trở thành hoạn quan nên được phong chức Trung Thư Lệnh, coi việc giấy tờ cho nhà vua và được tự do ra vào cung cấm. Thời gian này Tư Mã Thiên viết quyển Sử Ký, sau mang tên Sử Ký Tư Mã Thiên, viết lại hai ngàn năm lịch sử từ thời các vua Hoàng Đế đến thời Hán Vũ Đế. Đây là quyển sử đầu tiên của Trung Quốc. Họ Tư Mã có từ thời nhà Chu. Thời đó quan coi việc binh gọi là quan Tư Mã, về sau đổi lại thành Thượng Thư Bộ Binh hay Tổng Trưởng Quốc Phòng bây giờ. Chức Tư Mã này khác với chức Tư Mã của các triều đại về sau chỉ có nhiệm vụ thưởng phạt quân đội. Có một ông quan Tư Mã được vua nhà Chu cho phép đổi họ thành Tư Mã. Giòng họ Tư Mã có từ lúc đó .
Gọi là Trúc Lâm Thất Hiền vì bảy ông này hay gặp nhau ở rừng trúc đàn ca, ngâm vịnh, bàn bạc văn chương và say túy lúy. Có thực bảy ông này “hiền” không mà được danh Thất Hiền?
Chữ “Hiền” có ba nghĩa :
– Hiền lành, ngoan ngoãn. Thế nhưng khi ta nói “hiền huynh”, “hiền nội” thì lại không có nghĩa người anh hiền lành hay người vợ hiền lành . Họ có thể là tướng cướp nhưng gọi họ là “hiền huynh”, “hiền nội” cũng không sai,
– Hiền có nghĩa thân tình, đáng yêu, đáng kính, tỏ vẻ thân kính như hai tiếng gọi “hiền huynh”, “hiền nội” ở trên. Trong tiếng Pháp, tiếng Anh, ta có chữ tương đương là cher và dear,
– Hiền có nghĩa tài năng và đức hạnh . Nghĩa này dùng để chỉ bảy ông hiền trên đây . Có nghĩa bảy ông này là những người tài giỏi và đức độ . Về ý nghĩa thứ ba này, xin đặt một câu hỏi rằng những thành ngữ như “hiền tài”, “hiền đức”, “hiền lương” có dư một chữ không ? Thế thì hai chữ “hiền triết” có phải dùng để chỉ các triết gia hiền tài không ? Ngày xưa chữ “triết” không dùng để chỉ một môn triết học như bây giờ mà nó bao gồm nhiều môn học khác như Toán học, Siêu Hình học, Luận Lý học v.v. Vì thế các nhà toán học ngày xưa cũng đều là các triết gia cả và chữ “triết” thời xưa có thể dùng để chỉ sự hiểu biết sâu rộng trên mọi lãnh vực . Ta dùng “hiền triết” cũng vì ý đó .
Xin được nói sơ qua về bảy ông hiền :
Ông Nguyễn Tịch , chú của ông Nguyễn Hàm trong Thất Hiền, làm quan đời nhà Tấn rồi cáo bệnh về ở ẩn . Ông thích đánh đàn và uống rượu nên đã từng xin vào làm việc nấu rượu trong quân đội . Có lần ông uống say bí tỉ trong vòng sáu mươi ngày, gọi là “cuồng Túy” . Tròng mắt ông có thể đổi màu . Thích ai thì ông nhìn với con mắt màu xanh, ghét ai thì ông nhìn với lòng mắt màu trắng . Thành ngữ “mắt xanh” có từ điển tích này đây . Ý niệm về xã hội của ông là một chính thể không vua, không bày tôi, không người giàu, không người nghèo . Theo ông xã hội đó không bị thiên lệch, không tham, không oán . Tuy ông có ý nghĩ khi quân nhưng vua Tấn để ông ở yên . Ý niệm về xã hội này của ông Nguyễn Tịch chỉ có thể có trên giấy tờ hay chỉ có thể có được khi con người đã bị chích thuốc mê để hết “tham, sân, si” . Ý niệm này không phải là một xã hội vô chính phủ (anarchie) mà theo triết gia Plato người Hy Lạp thì xã hội này có thể có . Nó đi từ chế độ dân chủ (démocracie) qua chế độ mỵ dân (populisme) rồi đến vô chính phủ (anarchie) . Ngày nay trên thế giới, tại các nước văn minh vật chất, chúng ta đang sống trong chính thể mỵ dân .
Ông Kê Khang, tên thật là Khuê Khang, sống trong thời nhà Nguỵ, lúc Tư Mã Chiêu đang chuyên quyền . Sau vì có chuyện thù hằn nên ông bỏ vào ở ẩn ở núi Kê nên gọi là Kê Khang . Ông có biệt tài cầm, kỳ, thi, họa tuy rằng ông không thụ giáo ai . Một ngày kia ông gặp một dị nhân hàn huyên về âm nhạc và dạy lại cho ông bài Khúc Quảng Lăng, đánh lên nghe rất êm ái như nước chảy, mây trôi . Người sau nghĩ rằng hai bài Lưu Thủy , Hành Vân phôi thai từ đây . Ông Nguyên Khang chủ trương khinh Khổng Giáo và trọng đường lối của Lão Tử, Trang Tử . Khinh vua Thang, Võ vương, Văn vương, Khổng Tử . Về sau triều đình viện vào cớ này mà kết ông bị án tử hình . Khúc Quảng Lăng đã mất từ đây . Tuy ông Nguyễn Tịch và Kê Khang sinh cùng thời, cả hai cùng giả cuồng si để sống nhưng ông Nguyễn Tịch thì sống vì cuồ ng mà ông Kê Khang lại chết vì cuồng .
Ông Lưu Linh, tự là Bá Lân, hình dung xấu xí , uống rượu không bao giờ say và có tửu lượng hơn hẳn sáu ông hiền kia . Lưu Linh coi sự vật đều nhỏ thó và hay uống rượu để quên đời . Bài thơ “Tửu Đức Tụng” ông viết hàm chứa nhiều ý nghĩa sống của Lão Tử .
Ông Sơn Đào học rộng hơn sáu ông hiền kia . Làm quan dưới thời nhà Ngụy rồi nhà Tấn, rất được vua Tư Mã Viêm tin tưởng . Ông có tài nhìn người và hay tiến cử người hiền . Có lần ông dâng sớ tiễn dẫn ông hiền Kê Khang nhưng Khi Kê Khang biết được liền viết bài “Tuyệt Giao Sơn Đào” để mỉa mai Sơn Đào ham danh lợi rồi tuyệt giao . Sơn Đào không vì thế mà giận hờn Kê Khang một mẩy .
Ông Hướng Tú, tự Tử Kỳ, bạn thơ ấu với Sơn Đào . Hướng Tú học rộng, biết nhiều , đã từng viết sách chú giải sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử .
Ông Vương Nhung có con vừa mãn đời, bạn là Sơn Giản đến thăm thấy Vương Nhung khóc mới khuyên đừng khóc . Vương Nhung trả lời : Thánh nhân đã quên hết tình cảm nên không khóc, thứ dân chưa bao giờ biết đến tình cảm . Bọn ta còn biết tình cảm tất phải khóc . Sơn Giản khóc theo .
Ông Nguyễn Hàm, cháu Nguyễn Tịch . Cả hai thích uống rượu . Khi hai chú cháu gặp nhau uống từng vò . Thú vật thích uống hai ông cũng để yên cho uống, không xua đuổi . Hai ông coi mọi vật bình đẳng .
Trúc Lâm Thất Hiền giỏi văn thơ, uống rượu để quên đời, ngông cuồng, ngạo mạn để che mắt triều đình . Họ chi trích Khổng Giáo, đề cao Lão Tử, Trang Tử . Tư tưởng và cách sống của họ tạo nên một trường phái lãng mạn gọi là Phong Lưu . Hôm nào bạn đọc ra chợ bán đồ sành, đồ sứ Trung Quốc, cứ tìm trên mấy bình trà hay chén đĩa nếu thấy hình mấy ông đứng ngồi vất vưởng trong rừng trúc thì chính là bảy ông hiền này đây .