Trang chủ » Tin tức, Ý Nghĩa Các Loại Tranh » Tranh tết với người Việt

Hình ảnh, không khí xuân mới sẽ trở nên tẻ nhạt nếu thiếu những bức tranh. Chơi tranh Tết là một thú vui – nhu cầu – phong tục cổ truyền rất đẹp của nhân dân ta. Vừa hồn nhiên, tươi sáng, sống động, vừa lắng đọng, đậm đà chất dân tộc, tranh Tết thể hiện sâu sắc giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn.

 

 

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ở trong nhà, dịp Tết thường phải có tranh treo để cảnh sắc thêm vui tươi, rực rỡ, con người thêm sảng khoái, giàu sức sống và xua đi những điều ám muội, rủi ro. Tranh Tết chính là hình ảnh cô đọng của sinh hoạt hàng ngày – người ta thường ngắm nó mà nhớ lại năm qua và hình dung những gì sẽ gặp, sẽ làm trong năm tới. Tranh Tết còn thể hiện những ước vọng về một cuộc sống thuận hoà, khỏe mạnh, hạnh phúc… cùng khát khao hướng tới Chân – Thiện – Mỹ.

 

 

Tranh Tết có đủ loại, dùng cho nhiều đối tượng và mục đích: tranh thờ, tranh đố, tranh cầu lộc, tranh người lớn, tranh trẻ em… Những gia đình trí thức thường thích tranh bộ: Nhị bình – 2 bức (như chim công múa – cá chép trông trăng), Tứ bình – 4 bức (như mai – lan – cúc – trúc tượng trưng cho 4 mùa hoặc 4 tố nữ chơi đàn – thổi saó – gõ phách – ca hát). Nhiều người lại chuộng tranh Trung Quốc vẽ cảnh trong các pho truyện nổi tiếng: Chinh đông – Chinh tây, Tam quốc diễn nghĩa… Phần lớn các gia đình nông dân thích treo những bức tranh dân gian cổ truyền thuộc nhiều đề tài, thoả mãn đồng thời nhiều nhu cầu. Ngoài cổng, có nhà dán 2 bức vẽ: một bên là Ông Tiến Tài, bên kia là Ông Tiến Lộc, trang phục đều kiểu quan văn, mặt hồng hiền từ, mỗi vị mang một tấm biển (Tiến tài, Tiến lộc) – với mong ước năm mới sẽ làm ăn phát đạt. Có nhà thì dán cặp tranh thần Vũ Đinh và Thiên ất, đều mặc võ phục, cầm long đao, mặt đỏ, mắt xếch, trông rất uy nghi – với mong ước năm mới ma quỷ sẽ sợ, không dám đến quấy nhiễu.

 

 

Trong nhà, treo, dán nhiều tranh hiền lành và ngộ nghĩnh hơn. Tranh Gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ngũ quý – 5 đức tính quí báu: văn (vẻ đẹp, mào gà), vũ (cựa gà, vũ khí), nhân (biết thương yêu đồng loại, kiếm được thức ăn ngon là gọi bầy đàn đến), dũng (gặp kẻ thù là sẵn sàng giao chiến), tín (hàng ngày gáy báo giờ rất đúng, giữ chữ “tín” từ hành động bình thường nhất). Tranh Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã cùng mơ ước gia đình đông vui, thuận hoà. Tranh Hứng dừa lại như nụ cười tinh nghịch trước sự hớ hênh vô tình của người con gái đang mải đưa váy hứng dừa. Rồi tranh Đấu vật, Đánh ghen, Thầy đồ cóc… – tất cả đều thể hiện những nét đặc sắc trong sinh hoạt thường ngày của người dân Việt Nam.

 

 

Loại tranh lịch sử như Trưng Trắc cưỡi voi đuổi giặc, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận… cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì nó tạo cảm giác ấm áp, hùng tráng và linh thiêng. Còn nhà nào nhiều trẻ con thì lại thường chơi các tranh: Phú quý (vẽ hình đứa bé tóc trái đào, đang giữ con vịt), Vinh hoa (cũng vẽ đứa bé như vậy, nhưng không giữ con vịt mà giữ gà trống), Thất đồng (7 cậu bé đang hồn nhiên hái quả), Tử tôn vạn đại (4 em bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)…

 

 

Có nhiều nơi làm tranh Tết, nhưng nổi tiếng vẫn là phố Hàng Trống (Hà Nội) và làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Tranh Hàng Trống thuộc loại tranh thờ (vẽ hổ, rồng, thần thánh…); kỹ thuật làm kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô mầu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước, luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế, màu vẻ linh động. Tranh Đông Hồ toàn diện hơn với rất nhiều thể loại; in bằng tay trên bản gỗ nổi – mỗi màu in có ván khắc riêng (đôi khi tô màu phẩm bằng tay); giấy in là giấy dó, thường quét phủ một lớp phấn điệp hơi óng ánh; màu in rực rỡ, chế từ nguyên liệu thiên nhiên dễ kiếm (màu đen chế từ lá tre khô, màu vàng từ hoa hoè hay quả dành dành, xanh từ lá chàm, trắng từ vỏ sò nghiền mịn, đỏ tươi từ bột son…). Nhìn chung, các công đoạn kỹ nghệ làm tranh Tết đều khá phức tạp, đòi hỏi cao độ sức lao động sáng tạo và tài hoa nghệ nhân.

Nhận xét